Việc du học Hàn Quốc đã không còn xa lạ với các bạn trẻ Việt Nam. Chắc hẳn khi bắt đầu sang một đất nước mới lạ, du học sinh không tránh khỏi những khó khăn ban đầu. Sau đây là một số thử thách mà du học sinh nào cũng phải đương đầu khi mới đặt chân đến Hàn Quốc.
1. Bất đồng ngôn ngữ
Đây luôn là một trong những khó khăn hàng đầu của bất kì một du học sinh nào. Khi mới sang Hàn, nhiều du học sinh còn không thể giao tiếp trôi chảy với người bản địa mặc dù trước khi đi du học, các bạn đã được đào tạo về tiếng. Tuy nhiên đó chỉ là những đào tạo cơ bản nhất, còn khi áp dụng vào thực tế thì mọi chuyện lại phức tạp hơn rất nhiều. Rào cảo về ngôn ngữ khiến du học sinh gặp khá nhiều bất tiện trong cuộc sống. Ví dụ khi chẳng may bị lạc đường, nếu muốn hỏi người xung quanh cũng khá khó khăn. Điều đặc biệt là người Hàn rất ít khi sử dụng tiếng Anh nên dù bạn có nói được tiếng Anh thì cũng chưa chắc giao tiếp được với họ. Cách duy nhất để vượt qua điều này là chăm chỉ học tiếng. Sau khi sang Hàn du học, du học sinh sẽ được học 1 lớp đào tạo tiếng từ 1 đến 2 năm. Trong thời gian này du học sinh cần cố gắng để lấy được các chứng chỉ tiếng, bởi khi đạt chứng chỉ thì mới có cơ hội học lên chuyên ngành. Sau 2 năm nếu du học sinh không đạt thì sẽ bị trục xuất về nước. Những bạn có ý định du học Hàn sắp tới cũng đừng quá lo lắng, bởi theo thống kê thì tỷ lệ du học sinh không đạt chứng chỉ là rất thấp. Chỉ cần chăm chỉ một chút là các bạn sẽ vượt qua khó khăn này thôi.
2. Vấn đề tài chính
Hầu hết du học sinh tại Hàn Quốc đều theo hình thức du học tự túc, một số thì có học bổng. Mức chi tiêu tại đây cao hơn Việt Nam rất nhiều, bởi vậy có không ít du học sinh ra ngoài tìm việc làm thêm nhằm giảm gánh nặng cho gia đình. Tuy nhiên không phải du học sinh nào cũng đều có thể làm thêm ngay khi vừa sang, bởi theo quy định thì sau 6 tháng du học sinh mới được phép đi làm thêm. Ngoài ra khi mới đến, ngôn ngữ chưa thạo thì du học sinh có rất ít cơ hội được nhận làm tại các vị trí lương tốt. Vì thế trong thời gian đầu, chi phí của du học sinh phải dựa hoàn toàn vào gia đình. Những bạn có khả năng kinh tế ổn thì không sao, nhưng những bạn điều kiện kinh tế khó khăn thì đây quả thực là một vấn đề lớn. Trong thời gian này, các bạn du học sinh nên cố gắng chi tiêu tiết kiệm, đồng thời tìm 1 số công việc không yêu cầu tiếng cao để làm. Sau khi đã hết bỡ ngỡ, lúc ấy bạn có thể đi tìm những công việc khác, từ đó tự túc tài chính.
3. Cân bằng giữa việc học và việc làm thêm
Không thể phủ định là làm thêm giúp cho các du học sinh có khả năng trang trải chi phí cho bản thân. Tuy nhiên nếu không biết cân bằng giữa việc học và việc làm rất có thể xảy ra những hậu quá không tốt. Nhiều du học sinh sang Hàn Quốc vì quá nóng lòng muốn đi làm thêm mà quên mất mục đích chủ yếu khi sang đây là học tập. Việc làm thêm quá nhiều sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả học tập của du học sinh. Nghiêm trọng hơn nữa có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Chính phủ Hàn có những quy định rõ ràng về số giờ làm thêm tối đa của du học sinh để đảm bảo việc học và sức khỏe. Nhưng một số du học sinh vẫn bất chấp vi phạm quy định dẫn đến các trường hợp phải nộp phạt hay thậm chí bị trục xuất về nước. Vì thế, các bạn du học sinh mới sang cần biết cách cân bằng giữa việc học và việc đi làm. Dù sao mục đích cuối cũng của chúng ta cũng là kiến thức.
4. Nhớ nhà
Đi du học Hàn Quốc không đơn giản chỉ “xách balo lên và đi”, nó còn mang theo cả những nỗi cô đơn của những người xa xứ. Sự cô đơn xuất phát chủ yếu từ nỗi nhớ nhà, nhớ bạn bè,…hoặc chỉ đơn giản là nhớ mùi vị của ẩm thực Việt Nam. Một mình đến đất nước xa lạ học tập, sinh sống, cuộc sống gặp khó khăn thì nỗi nhớ ấy lại càng lớn. Có nhiều du học sinh chia sẻ, khi mới đến Hàn Quốc, các bạn thấy rất nhớ nhà và rất hay khóc. Nhưng theo thời gian, khi đã quen với môi trường mới, khi đã trưởng thành hơn thì các bạn tạm cất nỗi nhớ ấy đi để phấn đấu trên con đường mình đã chọn. Ngày nay với sự phát triển của công nghệ, việc liên lạc được tối đa hóa, từ đó các du học sinh có thể vơi bớt sự cô đơn bằng cách facetime cho gia đình, bạn bè bất cứ lúc nào.